Đang bị cao huyết áp nếu chúng ta không chịu theo dõi chăm sóc, có thể bị nhiều biến chứng nguy hiểm như: hư thận, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bán thân bất toại, hư mắt và tử vong cao.
Thế nào gọi là cao huyết áp?
Bình thường, tim bơm máu vào mạch máu đưa máu đi khắp nơi, nuôi cơ thể và gây áp suất lên thành mạch máu. Khi chúng ta đo máu là đo áp suất lúc tim bơm máu và lúc tim nghỉ. Như vậy, có 2 con số để đo áp suất máu: số thứ nhất đo áp suất lúc tim bơm máu, bình thường khoảng 100 - 110mmHg, không quá 130mmHg, tùy theo tuổi tác. Số thứ hai: đo áp suất lúc tim nghỉ, sửa soạn nhận máu để bơm tiếp theo, bình thường khoảng 70mmHg và không quá 80mmHg. Thí dụ: huyết áp trung bình là 110/70mmHg. Khi huyết áp trong khoảng 131/81mmHg tới 139/89mmHg gọi là tiền cao huyết áp và phải điều trị.
Vì sao bị cao huyết áp?
Mạch máu thay đổi tùy theo tuổi tác và ảnh hưởng lối sống hàng ngày. Mạch máu nhỏ lại vì thành mạch máu bị nhiều chất cholesterol hay mỡ đọng lại. Dần dần, thời gian qua đi, áp suất máu tăng lên: vì mạch máu nhỏ lại. Lý do khác là bởi thớ thịt xung quanh thành mạch máu dày ra, thành mạch máu cứng lại, giảm đàn hồi, không đáp ứng được khi áp suất thay đổi. Tim sẽ phải làm việc nhiều hơn, mạnh hơn để đẩy máu vào mạch máu, sẽ làm cao huyết áp.
Nguyên nhân bệnh cao huyết áp
Chưa có nguyên nhân chính xác. Bệnh thận ít khi làm cho cao huyết áp. Lối sống hàng ngày hay di truyền sinh ra cao huyết áp. Ngoài ra, bệnh nhân dễ bị cao huyết áp thường là bởi vì:
- Họ hàng bà con, có người bị cao huyết áp hay bệnh tim mạch.
- Bệnh nhân đã lớn tuổi.
- Mập, ít tập thể dục, thích ăn mặn, uống nhiều rượu, tinh thần bị căng thẳng thường xuyên.
- Hút thuốc lá và ăn nhiều chất dầu mỡ - cholesterol, mặc dầu không ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh cao huyết áp, nhưng gây nhiều nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch. Những biến chứng nguy hiểm như:
Cơn đau tim : khi thành mạch máu thiếu đàn hồi và tích tụ nhiều mỡ - cholesterol, máu đưa đến bắp thịt tim sẽ bị nghẽn, bị thiếu dưỡng khí, sẽ làm hư hại bắp thịt tim và sinh ra bệnh nhồi máu cơ tim.
Suy tim : khi tim phải gắng bơm máu mạnh hơn, nhưng ngược lại nếu mạch máu tim lại bị nghẽn nhỏ lại, tim sẽ không còn làm việc có hiệu quả. Máu sẽ bị ngưng trệ trong tĩnh mạch nhiều hơn và kết quả là nước sẽ đọng trong phổi, dưới chân và nhiều mô khác, làm sưng phù, phù thũng.
Tai biến mạch máu não : do máu nghẹt thành cục hay do từng mảnh mỡ làm tắc nghẽn động mạch, không đưa máu lên não được. Đôi khi áp suất lên cao quá làm bể mạch máu trong đầu.
Mù mắt : do vi-ti động mạch trong võng mô bị bể, hay bị nghẹt, không đưa được dưỡng khí vào mắt.
Suy thận :là do biến chứng của bệnh cao huyết áp, giảm máu tới thận. Thận có thể làm co mạch máu, làm huyết áp cao hơn và do đó làm thận suy, không lọc được chất bã trong máu.
Nhóm bệnh nhân đặc biệt cần chú ý
Những người lớn tuổi : có tới 60 - 70% số bệnh nhân lớn hơn 60 tuổi bị cao huyết áp. Nếu được chăm lo chữa chạy cao huyết áp, sẽ giảm cơ nguy tai biến mạch máu não nhồi mạch máu cơ tim.
Phụ nữ tắt kinh : cơ nguy bệnh tim mạch và tử vong, có khi còn cao hơn các ông cùng lứa tuổi.
Những bệnh nhân bị cao huyết áp, lại có bộ phận trong cơ thể bị hư hại như hỏng mắt, hư thận, đái tháo đường, bệnh tim mạch (đau ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim), cần phải lưu ý chữa cao huyết áp ngay.
Cách tự đo huyết áp tại nhà
Đo huyết áp ngày 3 lần: trước khi ăn điểm tâm, trước khi ăn tối và 2 giờ sau khi ăn cơm tối. Mỗi lần đo liên tiếp 3 lần. Lấy 3 con số trên cộng lại chia 3. Lấy 3 con số dưới cộng lại chia 3. Lấy con số trung bình: đó là huyết áp trung bình sau 3 lần đo. Ghi huyết áp mỗi ngày để theo dõi.
Huyết áp có thể xuống thấp sau khi tắm hay sau khi ăn. Chờ 15 phút sau hãy đo huyết áp, sẽ chính xác hơn.
Tập thể dục xong huyết áp sẽ xuống. Nên chờ mây phút sau rồi hãy đo. Hoặc đo huyết áp trước khi tập thể dục.
Thường ngồi nghỉ chừng 5 phút trước khi đo huyết áp sẽ tốt hơn.
Lúc đo máu nên ngồi thẳng, lưng dựa, chân duỗi. Tay đo máu nên duỗi ra, để ngang cao với mực trái tim.
BS. NGUYỄN MẠNH HÙNG
Lời khuyên của thầy thuốc
Chữa cao huyết áp tất nhiên là phải uống thuốc đều đặn, mỗi ngày.
- Cần phải thay đổi lối sống hàng ngày để cho huyết áp xuống thấp, giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.
- Cần giảm cân lượng: nếu bị mập.
- Cữ uống rượu: uống nhiều rượu sẽ làm cao huyết áp.
- Tập thể dục: năng hoạt động, đi bộ nhanh mỗi ngày, từ 30 - 45 phút. Tập thể dục thường xuyên sẽ hạ huyết áp, giảm cân lượng và giảm nguy cơ biến chứng bệnh tim mạch.
- Cữ ăn mặn.
- Uống thêm thuốc bổ chất vôi - calcium và muối potassium.
- Ngưng hút thuốc lá: vì hút thuốc sẽ làm cứng thành mạch máu, gây nguy cơ bệnh tim mạch. Sau mỗi điếu thuốc, mạch máu sẽ tăng lên. Và việc quan trọng nhất là tự mình đo mạch máu mỗi ngày. Tự đo mạch máu lấy, bệnh nhân có thể biết lúc nào áp suất máu lên bất chợt. Khi thấy nhức đầu hay chóng mặt, nên đo huyết áp ngay. Nếu huyết áp lên cao bất thường, nên hỏi ý kiến bác sĩ.
( nguồn suckhoedoisong.vn)