Những quan niệm sai lầm về tăng huyết áp
Ngày: 03/01/2014

Trung bình cứ 4 người lớn ở nước ta lại có một người bị tăng huyết áp. Trên thực tế, con số này còn có thể cao hơn do bệnh tiến triển thầm lặng và chưa được phát hiện. Vì vậy, việc phổ biến những kiến thức đúng về tăng huyết áp là hết sức cần thiết trong việc kiểm soát huyết áp cũng như làm giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.


Sau đây là một số những quan niệm sai lầm về tăng huyết áp mà người bệnh cần điều chỉnh.


Huyết áp tối đa phải 160mmHg trở lên mới là tăng huyết áp (THA)


Theo định nghĩa về THA, huyết áp (HA) bình thường là HA có chỉ số từ 90/60 - 119/79 mmHg, Tiền THA: 120/80 - 139/89 mmHg, THA giai đoạn I: 140/90 - 159/99 mmHg, THA giai đoạn II: huyết áp bệnh nhân từ 160/100 mmHg trở lên và THA tâm thu đơn độc là khi bệnh nhân chỉ có tăng HA tâm thu trên 140 mmHg còn HA tâm trương dưới 90 mmHg. Như vậy, chỉ cần chỉ số HA của bạn trên 120/80 mmHg đã được gọi là tiền THA và bắt buộc đã phải theo dõi để điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống và tập luyện.

Những quan niệm sai lầm về tăng huyết áp

Tăng huyết áp ở người già được coi là bệnh lý chứ không phải do tuổi tác
Ảng: H. Liên

Tăng huyết áp ở người già là chuyện bình thường, không cần điều trị


Trước đây, người ta cho rằng huyết áp tăng ở người già là bình thường và chỉ cần can thiệp khi huyết áp đã tăng rất cao, thậm chí không cần điều trị gì. Hiện nay, mặc dù THA tỷ lệ thuận theo tuổi hay nói khác đi, tuổi càng cao nguy cơ bị THA càng lớn. THA áp ở người già được coi là bệnh lý (chứ không phải là một tình trạng của tuổi tác) như bất cứ một bệnh nào khác ở mọi lứa tuổi và cần phải được theo dõi, điều trị tốt như ở người trẻ.


Tăng huyết áp không chữa khỏi được


Không phải hoàn toàn là như vậy. Chúng ta đều biết rằng, THA gồm hai loại: THA nguyên phát và THA thứ phát. THA nguyên phát là loại THA không tìm thấy căn nguyên gây bệnh hay còn được gọi là tăng huyết áp vô căn, loại này chiếm từ 90% - 95% tổng số các trường hợp THA nói chung. THA thứ phát là loại THA có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng như THA do u tủy thượng thận, do bệnh lý thận, do một số bệnh nội tiết... Đối với loại THA vô căn, bắt buộc phải uống thuốc hàng ngày để giữ cho HA luôn ở mức bình thường. Còn đối với loại THA có nguyên nhân rõ ràng, nếu điều trị tốt yếu tố gây bệnh (ví dụ như bệnh hẹp động mạch thận) thì HA có thể về trị số bình thường hay có thể chữa khỏi. Vì vậy, khi bị THA, nhất thiết phải tìm kiếm xem có nguyên nhân nào gây THA hay không để điều trị trước khi kết luận là THA vô căn.


Trẻ em và thanh niên không bị tăng huyết áp


THA hay gặp ở người già nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Phần lớn các trường hợp THA ở người từ 45 tuổi trở lên là THA vô căn trong khi THA xuất hiện ở người trẻ hơn thường có nguyên nhân rõ ràng như hẹp động mạch thận, suy thận, u tủy thượng thận... Hiện nay, THA đang có xu hướng trẻ hóa do có nhiều yếu tố nguy cơ ở nhóm đối tượng này như: nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thuốc lào, béo phì, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng axit uric máu, ăn mặn (lượng muối ăn trên 5g/ngày), lười vận động, môi trường làm việc căng thẳng nhiều stress,…


“Bỏ quên” một số yếu tố nguy cơ


Có một số yếu tố nguy cơ mà khi người bệnh khắc phục được có thể làm giảm huyết áp đáng kể. Đầu tiên là thói quen ăn mặn (trên 5g muối/ngày). Thói quen này hay gặp ở những người lao động nặng nhọc, lượng muối bị mất nhiều qua mồ hôi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy một chế độ ăn nhạt giúp hạ huyết áp tâm thu tới 20 mmHg. Tiếp theo là những thói quen có hại như lạm dụng bia rượu, hút thuốc lá, thuốc lào. Đây cũng là những yếu tố làm HA của bạn tăng đáng kể. Ăn uống vô tội vạ dẫn đến béo phì, lười vận động, công việc nhiều áp lực, cuộc sống nhiều stress… cũng góp phần làm HA bạn tăng thêm từ 10 mmHg trở lên và nhiều khi là yếu tố khởi nguồn của cơn THA nếu bạn đang bị THA, cũng như góp phần vào việc làm cho HA của bạn ít đáp ứng với liệu pháp điều trị.


Người bình thường không cần kiểm tra huyết áp


Trong đại bộ phận các trường hợp, THA tiến triển từ từ, thầm lặng mà không có biểu hiện gì đặc biệt hoặc nếu có cũng nhẹ và thoáng qua. THA chỉ được phát hiện khi người bệnh đã bị các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận... hoặc qua khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, cũng có một số dấu hiệu cảnh báo bệnh nhân đã bị THA như: hay bị đau đầu chóng mặt mà không rõ lý do cụ thể, thay đổi tính nết: dễ xúc động, cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc, có những cơn nóng, đỏ bừng mặt, mắt nhìn mờ, tức ngực, đau ngực, đánh trống ngực, làm việc dễ bị căng thẳng mệt mỏi, tiểu ít, đột ngột xuất hiện nói khó, thất ngôn, tê bì chân tay, liệt chi (có thể chỉ thoáng qua rồi hết…). Vì vậy những người có các biểu hiện nói trên, nhất là những người tuổi từ 45 trở lên nên đi khám ngay.


Dừng thuốc khi thấy huyết áp về bình thường


Nhiều người cho rằng khi uống thuốc đưa HA về trị số bình thường thì dừng ngay thuốc, thuốc chỉ bỏ sẵn trong túi, khi nào thấy HA tăng cao thì lại uống. Điều này thực sự nguy hiểm vì HA đã về bình thường là do tác dụng của thuốc, nếu dừng, nồng độ thuốc không còn nên chắc chắn HA lại tăng cao. Hơn nữa, khi HA tăng cao thường không có biểu hiện gì đặc biệt nên người bệnh khó nhận biết và nhiều khi cơn THA lên quá cao gây các biến chứng như xuất huyết não… thì đã quá muộn.


Tự ý thay thuốc hạ HA đang dùng


Rất nhiều người đang dùng thuốc hạ HA có tác dụng rất tốt lại tự ý bỏ và thay bằng một loại thuốc khác với hy vọng tốt hơn thuốc cũ. Bạn nên nhớ rằng loại thuốc hạ HA tốt nhất là thuốc giúp bạn kiểm soát tốt HA, ít gây tác dụng phụ và giá thành rẻ. Đối với người này, loại thuốc đó có thể rất tốt nhưng đối với người khác lại cho hiệu quả kém. Vậy không nên thay thuốc khi HA của bạn đang tốt và bạn không thấy có tác dụng phụ gì của thuốc.


Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đức Định

Nguồn: suckhoedoisong.vn
Trụ sở chính
yculeloi@gmail.com