Các Loại Gạc Sử Dụng Trong Chăm Sóc Vết Bỏng
Gạc sử dụng để chăm sóc vết bỏng cần phải đạt được những mục đích sau:
Bảo vệ, ngăn nước, vi sinh vật xâm nhập, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng.
– Thấm hút dịch tốt, tạo môi trường ẩm để thúc đẩy liền thương.
– Không dính gạc vào vết bỏng, không gây tổn thương thứ phát.
– Cho phép vùng bị tổn thương có thể cử động và hoạt động chức năng bình thường.
– Giảm đau, sưng, viêm.
– Thuận tiện khi sử dụng, thay gạc ko đau.
– Mềm, thoải mái, không kích ứng da.
– Cung cấp oxy cho vết thương hoặc giúp quá trình trao đổi khí giữa vết thương và môi trường diễn ra bình thường.
– Giúp giữ nhiệt.
Do tính chất, đặc điểm của vết bỏng thay đổi theo thời gian nên trong từng giai đoạn khác nhau, bác sĩ sẽ có những chỉ định sử dụng gạc khác nhau phụ thuộc vào tình trạng vết bỏng thực tế. Bài viết xin chia sẻ một số ưu nhược điểm của các loại gạc thường sử dụng trong chăm sóc vết bỏng như sau:
1. Gạc cotton
Đây là loại gạc đang được sử dụng phổ biến hiện nay trong chăm sóc vết bỏng do giá thành rẻ, không kích ứng da mà lại có khả năng che phủ, thấm hút dịch tốt. Tuy nhiên, loại gạc này có nhược điểm là không tạo môi trường ẩm, không có khả năng ngăn nước, vi sinh vật từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong, gạc thường bị dính vào vết thương nên bệnh nhân dễ bị đau cũng như xuất hiện những tổn thương thứ phát mỗi lần thay gạc.
2. Gạc foam
Gạc Foam là gạc xốp, phù hợp để sử dụng cho những vết bỏng độ 1, 2. Gạc có màng bán thấm không cho nước, vi sinh vật từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong nhưng vẫn cho phép quá trình trao đổi khí diễn ra bình thường. Bên cạnh đó gạc còn có khả năng thấm hút dịch tốt, cung cấp môi trường ẩm, giúp quá trình liền thương diễn ra nhanh và giảm số lần thay gạc. Không chỉ vậy, gạc có lớp xốp mềm mại, co giãn linh hoạt, không dính vào vết bỏng giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, không bị đau mỗi lần thay gạc.
3. Gạc Alginate
Gạc Alginate được chiết xuất từ rong biển, có khả năng tạo gel khi tiếp xúc với dịch vết bỏng nhờ sự trao đổi giữa ion calci của gạc với ion natri trong dịch vết bỏng. Lớp gel được hình thành và ion calci được giải phóng cung cấp môi trường ẩm cho vết bỏng, thúc đẩy nguyên bào sợi phát triển và giúp cầm máu ở những mao mạch nhỏ, nhờ vậy mà quá trình liền thương diễn ra nhanh hơn. Bên cạnh đó, lớp gel còn cản trở sự trao đổi khí của vết bỏng với môi trường bên ngoài, nên nếu sử dụng gạc Alginate kéo dài sẽ kích thích vết bỏng tăng sản sinh các mao mạch mới giúp vết bỏng nhanh liền.Tuy nhiên, đặc tính này chỉ phù hợp với những vết bỏng nhẹ, độ 1, 2.
Ở vết bỏng nặng, sâu như độ 3 trở lên, nhu cầu về oxy lớn nên đặc tính này lại trở thành rào cản cho quá trình liền thương. Lý do khác nữa mà gạc Alginate không phù hợp để sử dụng cho những vết bỏng sâu là nguy cơ bị dính sợi gạc vào bề mặt vết bỏng, mạch máu hay xương bị bộc lộ do bỏng. Hơn nữa, do gạc Aliginate thấm hút dịch tốt và có khả năng trao đổi ion với dịch vết bỏng nên khi sử dụng cho người bệnh bỏng nặng sẽ làm tình trạng mất nước, điện giải của người bệnh trở nên trầm trọng hơn.
4. Gạc Hydrogel
Là loại gạc ưa nước được làm từ polyme tổng hợp. Nhờ chứa một lượng nước lớn trong gạc (70-90% trọng lượng của gạc) nên loại gạc này giúp làm mát vết bỏng nhanh chóng và tạo môi trường ẩm thích hợp cho quá trình tạo hạt, biểu mô hóa diễn ra. Bên cạnh đó, gạc Hydrogel không bị dính sợi vào vết thương nên việc loại bỏ dễ dàng mà không gây đau cho người bệnh. Nhược điểm của loại gạc Hydrogel là khả năng thấm hút dịch không tốt, không thoáng khí nên không phù hợp với những vết bỏng lớn, sâu như bỏng độ 3.
5. Gạc Hydrocolloid
Gạc Hydrocolloid gồm có hai lớp, lớp keo và lớp không thấm nước. Loại gạc này được hình thành nhờ sự kết hợp giữa những chất có khả năng tạo gel như carboxymethylcellulose, gelatin và pectin với những vật liệu có tính đàn hồi và keo. Gạc Hydrocolloid cho phép hơi nước từ trong thoát ra ngoài nhưng ko cho vi sinh vật từ ngoài xâm nhập vào trong. Không chỉ vậy, loại gạc này còn có khả năng thấm hút dịch, tạo môi trường ẩm phù hợp cho quá trình lành thương và giúp loại bỏ những mảnh tế bào, da, mô chết mỗi lần thay gạc. Một ưu điểm khác của loại gạc này là không dính sợi gạc vào vết thương nên quá trình loại bỏ gạc dễ dàng, không gây đau cho người bệnh. Nhược điểm là khả năng thấm hút dịch không cao, không thoáng khí nên không phù hợp với những vết bỏng nặng, sâu như bỏng độ 3.
6. Gạc tẩm bạc
Loại gạc này có thể được làm từ những vật liệu khác nhau có tẩm ion bạc. Các phân tử bạc trong gạc sẽ được giải phóng từ từ vào vết bỏng và tấn công vi khuẩn giúp ngăn ngừa nhiễm trùng xảy ra. Không chỉ vậy, gạc tẩm bạc còn có khả năng thấm hút dịch, giúp vết bỏng sạch, tạo môi trường ẩm thích hợp để thúc đẩy quá trình liền thương.
Do tính chất, đặc điểm của vết bỏng thay đổi rất nhanh theo thời gian nên việc xử lý, chăm sóc vết bỏng đúng trong giai đoạn đầu đóng vai trò quan trọng trong quá trình liền vết bỏng. Chính vì vậy, gạc tẩm bạc được khuyến cáo nên sử dụng sớm trong vòng 48h đầu sẽ giúp tạo ra môi trường tốt hơn cho quá trình liền thương. Gạc tẩm bạc là lựa chọn tốt cho những vết bỏng sâu, bỏng không rõ độ sâu hay bỏng bề mặt nhưng với diện tích rộng.
Dù vậy, loại gạc này cũng có một số nhược điểm như giá thành khá cao, có thể gây xót, dị ứng và không phải người bệnh nào cũng có thể sử dụng hay khu vực bỏng nào cũng cần sử dụng mà cần phải có chỉ định của bác sĩ. Ion bạc có thể làm da chuyển màu đen hoặc sậm màu ở khu vực đắp gạc. Tuy nhiên, những vùng da sậm màu do ion bạc này có thể loại bỏ dễ dàng khi được rửa bằng nước.
Một vài lưu ý khi sử dụng gạc tẩm bạc là chỉ nên rửa sạch vết bỏng bằng nước vô trùng trước khi đắp gạc, không nên rửa bằng nước muối sinh lý do các ion clo trong nước muối sinh lý có thể kết hợp với các ion bạc làm giảm nồng độ ion bạc trên bề mặt vết bỏng.