3 vị thuốc dễ kiếm chữa tắc tia sữa tại nhà
Tắc tia sữa là tình trạng lòng ống dẫn sữa bị hẹp bít khiến sữa không thể chảy ra ngoài một cách dễ dàng, lâu dần sẽ dồn ứ lại và gây tắc. Ở những chỗ tắc sẽ hình thành các cục cứng chính là sữa bị đông kết.
Sữa không chảy ra ngoài được trong khi sữa mới vẫn được sản xuất ra khiến cho tình trạng tắc càng thêm nặng nề, gây căng giãn và chèn ép các ống dẫn sữa khác. Tình trạng tắc tia sữa nếu không được xử lý sớm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm hơn như áp xe vú, nhiễm khuẩn vú…
Theo Y học cổ truyền thì tắc tia sữa – viêm tuyến vú thuộc phạm vi chứng nhũ ung. Để điều trị triệt để, cần phải thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, lợi sữa và sẽ được chia làm các giai đoạn điều trị như sau:
- Giai đoạn mới phát: Các triệu chứng như vú đau, sưng tấy, sờ vào có cục cứng, ấn vào đau. Mặt sản phụ đỏ, người phát sốt, đau tức ngực. Đau lan ra các khớp, không vã mồ hôi, lưỡi có rêu trắng, mạch phù khẩn.
- Giai đoạn sắp vỡ mủ hoặc đã vỡ mủ: Theo Y học cổ truyền các triệu chứng như sau: Mình lạnh, người hết sốt, vú đã mềm, đau nhức sắp vỡ hoặc đã vỡ mủ.
- Giai đoạn khí huyết hư: Các triệu chứng như sắc mặt xanh, người mệt mỏi, thích ngủ, vùng vú đau ít hơn nhưng vẫn sưng, cứng, mạch hư tế.
Trong ba giai đoạn trên, mẹ nên nhận biết sớm các dấu hiệu ngay từ khi mới khởi phát để điều trị kịp thời, tránh để bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn, điều trị khó khăn, không tốt cho cả mẹ và con.
Giai đoạn khởi phát này cũng là giai đoạn duy nhất mẹ có thể điều trị tại nhà và khỏi hẳn bằng các cách đơn giản từ các vị thuốc gần gũi quanh ta.
Sau đây là ba vị thuốc các mẹ có thể áp dụng để chữa tắc tia sữa tại nhà:
1. Củ gai chữa tắc tia sữa
Củ gai, tên gọi khác: Trữ ma căn, tầm ma. Tính vị: Dược liệu được ghi nhận là có vị ngọt, tính hàn và không có độc. Quy kinh: Quy vào ba kinh là can, tâm và bàng quang.
Công dụng: Lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, giải độc và an thai.
Chủ trị: Dùng điều trị xuất huyết do huyết nhiệt, nhiệt độc ung thũng, thai bất an, thai lậu hạ huyết…
Cách làm: Sau khi đào về cần loại bỏ hết rễ con và rửa sạch đất cát. Củ gai tươi giã nhuyễn hoặc xay rồi cho 1 chút muối vào trộn đều xong đắp vào bầu vú, đắp cả đầu ti, ngày thay 4-5 lần. Làm đến khi tiêu hết các cục cứng thì thôi.
2. Hành
Tính vị: Hành vị cay bình mà không độc. Qui kinh: Vào kinh thủ thái âm phế và túc dương minh vị. Tác dụng: Thông dương hoạt huyết hòa trung, lợi tiểu sát trùng, phát biểu.
Cách làm:
- Đắp củ hành: Lấy 1 nắm củ hành tươi, rửa sạch, dùng cả rễ đem đi xay hoặc giã nát. Sau đó nặn thành bánh, đắp lên vú. Dùng chai sành đựng nước nóng khoảng 70 độ hoặc dùng đèn hồng ngoại chườm lên bánh hành đến khi cảm thấy ấm nóng là được. Ngày làm 2 lần, làm đến khi khỏi hẳn thì thôi.
- Xông lá hành: Chuẩn bị 100-200g hành lá, cắt thành đoạn 3-5cm, cho vào 1 cốc tráng men cỡ to, sau đó thêm vào 400-500g nước sôi, lợi dụng khí nóng bốc lên để xông cho vú khoảng 10-15 phút. Nếu buồng vú bị cứng đau thì dùng cọng hành sau khi đã xông xoa lên chỗ cứng đau, chỗ ấy sẽ dần tan ra.
Mỗi ngày làm 2-3 lần, làm đến khi khỏi thì dừng.
3. Lá bồ công anh
Tính vị: Vị ngọt, tính bình, không độc (Tân Tu Bản Thảo). Qui kinh: Vào kinh can, vị. Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tán sưng, tiêu ung.
Cách làm: Dùng 100g lá bồ công anh tươi rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước uống, bã đắp tại chỗ vú bị đau. Hoặc dùng lá bồ công anh hơ nóng trên ngọn lửa đèn cồn, đắp thử lên da nóng vừa phải thì đem đắp vào quanh bầu vú. Làm liên tục 15-20 phút.
Mỗi ngày làm 2-3 lần, duy trì đến khi khỏi thì dừng, khi đắp có thể chiếu thêm đèn hồng ngoại.
4. Phòng ngừa tắc tia sữa
- Bà mẹ nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh. Cho bú đều cả hai bên. Bú hết sữa ở vú bên này rồi chuyển sang vú bên kia. Trường hợp mẹ có nhiều sữa mà bé bú không hết thì sau khi bé bú no phải hút sữa dư ra, tránh để ứ đọng.
- Sữa non rất đặc, dễ gây tắc nên trước và sau khi cho con bú mẹ nên day ép bầu vú nhẹ nhàng để tránh sữa đông kết. Giữ vệ sinh núm vú sạch sẽ sau khi cho con bú bằng cách lau rửa bằng nước đã đun sôi còn ấm.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt trong suốt quá trình cho con bú. Ổ nhiễm khuẩn vùng răng miệng là điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh nhiễm khuẩn ở vú trên cơ sở một nghẽn tắc sẵn có.
- Sử dụng áo ngực và quần áo rộng rãi, thoải mái. Uống thật nhiều nước. Nghỉ ngơi đầy đủ, áp dụng một số bài tập thiền hoặc yoga, luyện tập thể thao. Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan nhất.