Phòng tai biến mạch máu não trong mùa lạnh
Trao đổi với VnExpress.net, Giáo sư, bác sĩ Hoàng Bảo Châu, nguyên viện trưởng Viện y học cổ truyền cho biết, trong cơ thể con người, máu được lưu thông trong mạch. Trong mùa rét, không khí lạnh khiến mạch máu vùng ngoại biên dễ co lại. Mạch co là một nguyên nhân khiến máu chảy chậm lại. Ở những người lớn tuổi, mạch máu ghồ ghề thì máu dễ bị ứ đọng, hình thành cục máu đông, gây tắc mạch.
Một trường hợp khác, mạch máu co dẫn đến huyết áp tăng cao đột ngột, áp lực vào thành mạch máu lớn khiến chúng bị vỡ, chảy máu ra ngoài. Những tổn thương trên xảy ra ở mạch máu não thì gọi là tai biến mạch máu não.
Ngoài lý do bị nhiễm lạnh, mạch máu co, nhiều nguyên nhân khác cũng khiến huyết áp tăng cao quá mức như stress, tức giận, nóng đột ngột... Điều đó cũng dẫn đến tai biến mạch máu não. Bệnh nhân bị tiểu đường, mỡ máu... có độ nhớt trong máu cao cũng có nguy cơ bị ứ tắc máu trong thành mạch, cản trợ quá trình tuần hoàn. Theo đó, bệnh này có thể gặp bất kỳ lúc nào, song trong tiết trời lạnh của mùa đông, mạch máu dễ co nên tình trạng đột quỵ xảy ra có phần nhiều hơn.
Bệnh thường gặp ở người già trên 60 tuổi do khả năng thích nghi yếu, huyết áp dễ tăng cao. Giáo sư Lê Đức Hinh, Chủ tịch Hội thần kinh học Việt Nam cho biết, theo thống kê của Hội thần kinh học quốc tế, tỷ lệ người bị tai biến mạch máu não hiện khoảng 0,2%. Trong đó bệnh nhân trên 80 tuổi chiếm 3%, 60-65 tuổi chiếm 1%, bệnh nhân 30-40 tuổi chỉ chiếm 0,03%. Còn tại Việt Nam, theo thống kê của 10 bệnh viện lớn, từ năm 2000 đến 2010 có đến hơn 18.000 người trên 65 tuổi bị bệnh này.
Giáo sư Hoàng Bảo Châu cho biết thêm, khi bị tai biến, não bệnh nhân bị kích thích mạnh dẫn đến hôn mê sâu hoặc nông. Nếu hôn mê sâu, mạch máu bị vỡ, máu chảy ra ngoài nhiều thì khả năng cao là người bệnh sẽ tử vong. Còn trong trường hợp hôn mê nông, máu bị thấm ít ra ngoài thành mạch hoặc xuất hiện cục máu đông trong mạch máu thì có thể phục hồi.
Sau khi hết hôn mê, não người bệnh vẫn bị tổn thương nên không đảm nhận tốt chức năng chỉ huy các bộ phận bên dưới, dẫn đến hoạt động của cơ thể không như ý muốn, mất cảm giác hoặc giảm khả năng nhìn... Song dù có thể phục hồi, bệnh nhân đã từng bị tai biến mạch máu não dễ có khả năng tái phát nên cần rất cẩn thận.
Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện y học cổ truyền, bệnh tai biến mạch máu não diễn biến rất nhanh, tùy cơ địa từng người, nên ngay khi thấy những triệu chứng đầu tiên, người nhà hãy đưa người bệnh vào viện. Khi người bệnh xuất hiện các dấu hiệu chân tay tê, huyết áp tăng cao gây đau đầu, u tai, buồn nôn... thì gia đình tuyệt đối không được vác, gập bụng bệnh nhân mà phải vận chuyển nhẹ nhàng, để nằm yên rồi gọi cấp cứu.
“Thậm chí ngay cả khi bạn có những biểu hiện thoáng qua như rơi cây bút, rơi chiếc đũa... cũng nên đi kiểm tra sớm bởi đó có thể là dấu hiệu một khu cư trú thần kinh trên não bị tổn thương, không được máu nuôi dưỡng đủ khiến việc chỉ huy hoạt động bên dưới bị yếu đi”, bác sĩ Châu nói.
Bệnh diễn biến nhanh, gây ra những hậu quả nguy hiểm và dễ tái phát nên bác sĩ Hoàng Bảo Châu khuyến cáo mọi người nên phòng bệnh cẩn thận. Vào mùa đông, người dân, nhất là người già với khả năng thích nghi kém phải luôn giữ ấm, đi ra ngoài cần đội mũ, tránh bị thay đổi nhiệt độ đột ngột. Điều quan trọng nhất là cần giữ huyết áp ổn định, tránh áp lực cao lên thành mạch máu dẫn đến vỡ mạch, chảy máu ra ngoài.
“Mỗi người có một chỉ số huyết áp khác nhau nên cần nắm được số đo của mình và thông báo với bác sĩ khi cần. Khi huyết áp tăng trên 20% so với lúc bình thường thì bị coi là áp huyết cao. Bên cạnh việc giữ ấm, mọi người cũng phải tránh những tác nhân xã hội như stress, căng thẳng, giữ cho tâm tĩnh... thì huyết áp mới ổn định”, Giáo sư Châu khuyến cáo.
Ngoài ra, việc ăn uống điều độ, tập thể dục vừa sức... cũng giúp bảo vệ mọi người trước bệnh tai biến mạch máu não. Bác sĩ Hoàng Bảo Châu cho biết thêm, khi chưa bị bệnh này hoặc đã từng mắc ở thể nhẹ (đã bình phục nhưng vẫn còn cục máu đông nhỏ) thì mọi người có thể dùng các loại thực phẩm chức năng Đông y chứa đinh lăng, bạch quả... để tăng cường hoạt huyết, giải dần các cục máu đông và tránh tái phát.